Vai trò ngành sản xuất ô tô đối với nền kinh tế quốc dân

Ngành công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, tạo động lực xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nưước

Ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hơn 3.000 phụ tùng, linh kiện khác nhau (đối với ô tô con, số linh kiện, phụ tùng có thể từ hơn 20.000 đến 30.000 – tính theo những linh kiện nhỏ nhất) được sản xuất từ nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là cơ khí, điện tử, cao su-nhựa, trong đó nhiều phụ tùng lại được lắp ráp từ vài chục đến vài trăm linh kiện như động cơ, hộp số. 

Theo cách phân loại trình độ công nghệ của các ngành chế tạo của UNIDO, ô tô được xếp vào nhóm các ngành công nghiệp có công nghệ trung bình-cao, nhưng thực chất trong số hàng ngàn phụ tùng, linh kiện, mỗi loại cần công nghệ sản xuất khác nhau, từ công nghệ trung bình thấp (như một số sản phẩm ép nhựa đơn giản), đến những công nghệ cao, phức tạp (như hộp số, động cơ). 

Chính vì các đặc điểm kỹ thuật nêu trên của sản phẩm ô tô, nên trong số các ngành công nghiệp sản xuất dân dụng, ngành ô tô có liên kết đầu vào – đầu ra rộng nhất và sự phối hợp công nghệ cao nhất. Vì lý do này, ngành này có ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa của nền kinh tế quốc dân.

Một mặt, ngành công nghiệp ô tô sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và cả nền kinh tế. 

Theo xu hướng phát triển, khi thu nhập của các cá nhân tăng cao, họ có xu hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm hiện đại đi kèm với chất lượng và bảo đảm an toàn. Đáp ứng được yêu cầu đó, ô tô sẽ là phương tiện được ưa chuộng và dần thay thế xe máy theo xu hướng phát triển đi lên của đất nước. Đồng thời, trong các ngành công nghiệp cũng như nông nghiệp, con người sử dụng ô tô như nguồn lực trực tiếp phục vụ quá trình lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại phát triển. 

Mặt khác, ngành công nghiệp ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Công nghiệp ô tô là “khách hàng” của nhiều ngành công nghiệp có liên quan như: kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất,… Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, tạo động lực xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Tại Nhật Bản, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật (JAMA), công nghiệp ô tô đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời các nhà sản xuất ô tô, các doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện cho ô tô cùng với các đại lý phân phối và dịch vụ khách hàng đã tạo ra gần 2,3 triệu việc làm. 

Còn ở Mỹ, theo Thống kê của Hội đồng chính sách ô tô Mỹ (AAPC), nền công nghiệp ô tô chiếm hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội và tạo ra gần 1,6 triệu việc làm (tính chung cả các nhà sản xuất ô tô, các nhà cung cấp linh phụ kiện cũng như các đại lý dịch vụ) . 

Chính vì vậy, việc duy trì và từng bước phát triển ngành công nghiệp ô tô có vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế đất nước, cụ thể:

Tạo tác động lan tỏa trong các ngành công nghiệp, tham gia vào việc thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến nay, Việt Nam đã luôn duy trì được sự tăng trưởng GDP khá ấn tượng, khoảng 6-7%/năm. Công nghiệp đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cả nước. 

Một trong số các yếu tố chính của sự thành công đó là đã thu hút đầu tư nước ngoài FDI hoặc cơ hội kinh doanh gia công, tập trung ở các ngành đòi hỏi nhiều lao động, như dệt may, da giày... do giá nhân công rẻ. Tuy nhiên hiện nay và trong tương lai, lợi thế cạnh tranh do giá lao động rẻ đang giảm dần. Nếu không có kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, rất có khả năng sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. 

Vì vậy, Việt Nam cần phải cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia về chất, thông qua việc tăng hàm lượng công nghệ và chất xám trong sản phẩm, nâng cao hàm lượng lao động có tay nghề, tăng nội địa hóa ở các ngành công nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy tác động lan tỏa của ngành công nghiệp ô tô đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Ví dụ tại Thái Lan, riêng 16 nhà sản xuất ô tô đã kéo theo sự phát triển và tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 doanh nghiệp hỗ trợ ở nhiều ngành nghề và công đoạn chế tạo khác nhau. 

Số các doanh nghiệp ở Nhật Bản hỗ trợ cho việc lắp ráp ô tô vào khoảng 30.000. Có thể nói, ngành công nghiệp ô tô là ngành dẫn dắt sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ và vì vậy, cũng là ngành có ảnh hưởng lớn đến phát triển công nghiệp và của nền kinh tế nói chung ở mọi quốc gia.

Đáp ứng nhu cầu bùng nổ sử dụng ô tô trong giai đoạn phổ cập xe hơi

Sản phẩm ô tô sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Một quốc gia được coi là bước vào giai đoạn "motorization" (ô tô hóa) khi trung bình có trên 50 ô tô/1.000 dân. Hiểu theo nghĩa rộng, motorization là quá trình ô tô trở nên phổ biến và trở thành phương tiện thiết yếu của người dân khi thu nhập được nâng cao. Hiểu theo nghĩa hẹp, đó là thời kỳ bùng nổ nhu cầu sở hữu và sử dụng dòng xe du lịch dưới 9 chỗ. 

Đây cũng là xu hướng của hầu hết các nước trên thế giới.

Nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn trước của motorization. Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người sẽ ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông ngày một phát triển và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Có thể khẳng định rằng, giai đoạn motorization chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2025, khi trung bình có trên 50 xe/1.000 dân; GDP/người >3.000 USD.

Đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần sẽ giảm dần.

Hạn chế thâm hụt thương mại

Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe, có thể đưa ra 3 tình huống để mô phỏng và tính toán tác động của ngành công nghiệp ô tô đến cán cân thương mại quốc gia:

(i) Không có sản xuất xe con trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

(ii) 50% thị phần là xe sản xuất trong nước, tỉ lệ nội địa hóa trung bình xe con đạt 40%, xe khác là 50% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 9 tỷ USD và năm 2030 là 17 tỷ USD.

(iii) 80% thị phần là xe sản xuất trong nước, với tỉ lệ nội địa hóa trung bình xe con đạt 70%, xe khác là 80% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 5 tỷ USD và năm 2030 là 9 tỷ USD.

Để được hưởng lợi từ xu thế motorization tất yếu nói trên, Việt Nam cần phải nâng cao thị phần của xe sản xuất trong nước với tỉ lệ nội địa hóa cao. Hay nói một cách khác, nếu không có ngành công nghiệp ô tô trong nước thì về lâu dài, Nhà nước cần giải bài toán cân bằng ngoại tệ để đảm bảo lượng ngoại tệ khá lớn để nhập khẩu ô tô và phụ tùng thay thế trong tương lai.

Theo nguồn trang https://moit.gov.vn/

 

nhận tư vấn

Gửi thông tin
(*) Sau khi "GỬI THÔNG TIN" chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn trong thời gian sớm nhất. (*) Để được tư vấn và báo giá nhanh chóng hơn vui lòng liên hệ trực tiếp với hotline 0985.828.669 - 0982.330.336