Năm 2022 đã qua đi, ngành ô tô Việt đã có nhiều bước ngoặt lớn. Trong đó đáng chú ý nhất phải kế đến việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định mới về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và việc nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất tại thị trường Việt.
Ngành công nghiệp mũi nhọn chuyển mình
Ngày 10/8/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022. Điểm nhấn là Thông tư 11/2022 đã bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật:
Thứ nhất, Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Thứ hai, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Thứ ba, Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Thông tư này sau gần 20 năm mới có thay đổi, đã mở ra một hướng đi mới của ngành ô tô trong nước vì có các quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu. Các quy định nêu thực tế trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ô tô và đã ảnh hưởng không nhỏ tới định hướng phát triển của các doanh nghiệp trong ngành.
Ngay sau khi Thông tư 11 chính thức có hiệu lực, ngành ô tô Việt năm 2022 cũng đã có nhiều sự kiện đáng chú ý. Một trong đó là từ giữa tháng 11/2022, tại Ninh Bình, Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Tập đoàn Ô tô Hyundai đã khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Nhà máy có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020, trên tổng diện tích hơn 50 ha. Kết hợp với nhà máy số 1, tổng công suất xe Hyundai có thể xuất xưởng tại Ninh Bình được thiết kế lên đến 180.000 xe/năm, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực.
Tập đoàn BMW cũng đã chính thức tuyên bố hợp tác với THACO AUTO để lắp ráp các mẫu xe BMW 3 Series, BMW 5 Series, BMW X3 và BMW X5 tại nhà máy ở Chu Lai (Quảng Nam). Hãng xe Đức cho biết, sự hợp tác này sẽ giúp mở rộng mạng lưới sản xuất xe của BMW ở châu Á, sau các nhà máy của BMW ở Ấn Độ và Thái Lan, nhà máy liên doanh ở Trung Quốc và nhà máy đối tác ở Malaysia, Indonesia, giờ là Việt Nam.
Không chỉ thế, thực hiện chương trình tái cấu trúc theo chiến lược đa ngành của THACO, THACO mới đây đã chính thức công bố thành lập công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải – THACO Industries với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD, diện tích 120ha và 6.500 nhân sự. Đặc biệt, THACO Industries sản xuất các sản phẩm gồm: sơ mi rơ moóc; thiết bị công nghiệp; thiết bị nông nghiệp; linh kiện phụ tùng ô tô; linh kiện phụ tùng ngoài ngành ô tô, nguyên vật liệu và gia công cơ khí theo công đoạn của quy trình công nghệ sản xuất theo yêu cầu khách hàng.
Theo nguồn: Vneconomy